[Baodautu.vn] Mang nỗi trăn trở về đất nước còn nghèo, nhưng lại bị chảy máu nguồn ngoại tệ lớn, tới 2 tỷ USD hàng năm cho khám chữa bệnh tại nước ngoài, doanh nhân Nguyễn Thu Cúc cùng các cộng sự mong được cống hiến hết mình cho sự nghiệp chăm sóc sức khỏe của người dân Việt Nam.
Lấy người bệnh làm trung tâm
Làn gió hội nhập và những chuyển động của thế giới phẳng, cùng sự xuất hiện của những bệnh viện tư nhân quy mô lớn đã buộc ngành y tế – một trong những ngành tưởng chừng thủ cựu nhất tại Việt Nam, đang từng bước lột xác. Dù là những tân binh trên thị trường, song làn gió mới mà các bệnh viện tư tạo ra trong lĩnh vực y tế vài năm gần đây cũng phần nào tạo ra áp lực cạnh tranh trong ngành theo xu hướng lấy người bệnh là trung tâm.
Cũng với mong muốn đưa người bệnh trở thành trung tâm của sự chăm sóc, giảm thiểu những lo lắng không đáng có bên cạnh nỗi đau bệnh tật hành hạ thể xác và tinh thần, đồng thời tạo ra chuỗi dịch vụ khép kín về chăm sóc sức khỏe cho khách hàng, từ làm đẹp đến khám chữa bệnh, bà Cúc và các cộng sự đã ấp ủ dự án đầu tư bệnh viện đa khoa. Năm 2010, Bệnh viện Đa khoa Thu Cúc ra đời, là bệnh viện đa khoa có tiêu chuẩn quốc tế, hoạt động theo mô hình bệnh viện – khách sạn, tập trung vào chất lượng khám chữa bệnh và dịch vụ phục vụ bệnh nhân.
Không giống các bệnh viện truyền thống, bác sỹ giỏi chuyên môn sẽ thăng tiến và đảm nhận chức vụ quản lý, bà Cúc chủ trương áp dụng các phương pháp quản trị hiện đại vào hoạt động doanh nghiệp. Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Thu Cúc hiện vận hành 2 hệ thống quản lý song song, mà đứng đầu là Giám đốc chuyên môn và Giám đốc điều hành.
Về quản lý chuyên môn, bà Cúc thực hiện chính sách cầu hiền với mong muốn cộng tác với các giáo sư, bác sỹ giỏi, có nhiều năm kinh nghiệm tại các bệnh viện công trong nước. Đồng thời, bà mở rộng hợp tác quốc tế, mời những bác sỹ hàng đầu từ các nước có nền y học phát triển trên thế giới như Singapore, Nhật Bản… về công tác tại đây.
Thu Cúc cũng coi trọng yếu tố chuyển giao và kế thừa, bên cạnh đội ngũ các giáo sư, bác sỹ giàu kinh nghiệm cộng tác, là những bác sỹ trẻ, giàu nhiệt huyết, ham học hỏi và nhanh nhạy trong tiếp cận các kỹ thuật y tế mới. Còn hệ thống điều hành được quản lý bởi những nhân sự có trình độ chuyên sâu về tài chính, kinh doanh và quản trị doanh nghiệp.
Ngoài chính sách lương thưởng cạnh tranh để thu hút và giữ nhân sự giỏi, quan niệm của Thu Cúc là đã đầu tư vào y tế thì sẽ không tiếc cho việc đầu tư trang thiết bị hiện đại. Nếu Giám đốc chuyên môn yêu cầu trang thiết bị nào đó, nhất định Giám đốc điều hành phải đáp ứng. Tất nhiên, bệnh viện cũng khó có nguồn lực vô tận để đầu tư dàn trải, mà chủ yếu đầu tư theo chiều sâu, tập trung cho một vài lĩnh vực cụ thể, chẳng hạn ưu tiên hiện nay là lĩnh vực điều trị ung thư.
Cuộc cạnh tranh trong lĩnh vực y tế giữa các bệnh viện, cơ sở khám chữa bệnh tư nhân không chỉ dừng lại ở trang thiết bị hiện đại cùng đội ngũ y bác sỹ có tay nghề, mà còn là cuộc chạy đua cải tiến chất lượng phục vụ. Song để có dịch vụ tốt, Thu Cúc quan niệm, hành động phải đến từ trái tim. Một tổ chức không thể thiếu những quy định để có thể vận hành, song những mệnh lệnh hành chính khô khan sẽ chẳng thể lay động và khiến những thầy thuốc tự nguyện làm tốt công việc của mình cao hơn các yêu cầu của tổ chức.
Có những câu chuyện thật về tấm lòng của người bác sỹ tại đây đã lấy đi không ít nước mắt xúc động của người nghe và cũng cho ta thấy sức mạnh của nghĩa cử xuất phát từ trái tim. Cách đây ít lâu, một bệnh nhân ung thư đến nhập viện khi đã ở giai đoạn cuối, di căn toàn thân không còn khả năng cứu chữa. Giây phút phải thông báo với bệnh nhân về sự sống mong manh của họ đè nặng lên vai vị bác sỹ người Singapore đang trực tiếp điều trị. Giống như sự mất mát của chính bản thân mình, vị bác sỹ đã quỳ xuống bên giường, nắm tay người bệnh để truyền thêm hơi ấm và sức mạnh cho họ trước khi tự mình thông báo kết quả, ngậm ngùi trong câu nói: “I am sorry”.
Hay câu chuyện về một vị bác sỹ trước cuộc gọi cầu cứu của bệnh nhân lúc 2 giờ sáng vì đau đớn, bệnh tật đã chẳng hề ngần ngại, ngay lập tức tới tận nhà thăm khám cho bệnh nhân, gạt đi nỗi mệt mỏi sau một ngày làm việc gắng sức, gạt đi những ngần ngại trước đêm đông lạnh giá, đường xá xa xôi. Nếu không phải vì đau cùng nỗi đau với người bệnh, không xuất phát từ trái tim của người thầy thuốc, có lẽ sẽ khó lòng mà lý giải cho sự sẻ chia thầm lặng như vậy.
Khi cái tâm của người trong nghề được thông suốt, họ quan sát và học hỏi lẫn nhau để cùng tiến bước vì một cuộc sống tươi đẹp hơn. Bệnh viện Thu Cúc được xây dựng và hoạt động trên nền tảng ấy.
“Chỉ số quan trọng nhất đối với chúng tôi là số lượng khách hàng đến khám chữa bệnh, chứ không phải là số tiền họ sẽ chi ra nhiều hay ít. Chúng tôi tin vào giá trị mình mang lại cho khách hàng và tin tưởng rằng, khi khách hàng đã khỏi bệnh, đã hài lòng về chất lượng khám chữa bệnh, cũng như dịch vụ, thì chắc chắn họ sẽ quay lại, không chỉ mình họ, mà còn có cả người thân, gia đình và bạn bè họ. Riêng trong lĩnh vực y tế, nhà đầu tư sẽ phải xác định đi đường trường và lợi nhuận không phải là số một”, Thu Cúc cho hay.
Trăn trở với tình trạng “tị nạn” y tế ở nước ngoài
Mang nỗi trăn trở về đất nước còn nghèo, nhưng lại bị chảy máu nguồn ngoại tệ lớn, tới 2 tỷ USD hàng năm cho khám chữa bệnh tại nước ngoài, người bệnh còn phải vượt đường xa “tị nạn” y tế ở nước ngoài với bao cơ cực về cả tinh thần và vật chất, bà Cúc quyết định đi khảo sát dịch vụ y tế tại các nước mà người bệnh tại Việt Nam thường tìm đến điều trị như Singapore, Nhật Bản… và nhận ra rằng, ngành y tế Việt Nam hoàn toàn có thể điều trị cho bệnh nhân trong nước với chất lượng và dịch vụ không thua kém nước ngoài.
Làm gì để bệnh nhân ở lại Việt Nam, nhưng vẫn được cung cấp dịch vụ chất lượng không thua kém dịch vụ tốt nhất ở nước ngoài là câu hỏi Thu Cúc đau đáu nhiều ngày. Để bắt tay vào triển khai, bà đi sâu vào giải quyết 3 yếu tố: con người, thiết bị y khoa và quy trình dịch vụ. Trang thiết bị y tế, cơ sở vật chất hay yếu tố dịch vụ vốn là thế mạnh sẵn có của Bệnh viện Thu Cúc, vậy nên, để giải quyết trăn trở của mình, bà bắt đầu bằng việc tìm gặp những giáo sư, bác sỹ nổi tiếng ở Singapore, Nhật Bản để mời về cộng tác.
Gây dựng một con đường mới không bao giờ dễ dàng và người tiên phong nhất định phải tìm được giải pháp cho những tình huống khó. Đến nay, hình ảnh của các giáo sư, bác sỹ giỏi hàng đầu Singapore như PGS-TS Ang Peng Tiam, Phó chủ tịch Hiệp hội Ung thư Singapore vẫn thường xuyên đáp chuyến bay qua lại giữa hai nước để điều trị cho bệnh nhân tại Việt Nam chính là đáp án thuyết phục nhất cho bài toán hóc búa này.
Một bệnh viện tư nhân tại Việt Nam như Thu Cúc đã làm gì để mời được những chuyên gia đầu ngành này? Thắc mắc của phóng viên được giải đáp qua lời kể của bà Cúc. Ở nước bạn, những người như PGS-TS Ang hay rất nhiều giáo sư, bác sỹ khác lại rất đông bệnh nhân và thu nhập quá cao. Nếu mời người ta vì tiền bao nhiêu mới thuyết phục đủ? Và với chi phí cao như vậy bệnh nhân của mình sẽ gánh sao đây?
“Tôi đã đặt vấn đề với các giáo sư, bác sỹ không từ góc độ tiền bạc, mà từ cái tâm giữa con người với con người. Mưu cầu được sống, được điều trị tốt nhất khi ốm đau bệnh tật của con người ai cũng lớn, nhưng với những bệnh nhân Việt Nam đang vì sự mưu cầu đó mà phải “vật lộn” nơi đất khách quê người, phải chăng ông nên giúp đỡ họ? Thay vì để hàng ngàn bệnh nhân phải bay sang Singapore điều trị, ông hãy sang Việt Nam để hàng nghìn người có thêm cơ hội được điều trị, tiết kiệm được những chi phí không đáng có để có thêm tiền chữa bệnh lâu dài. Có lẽ chính lời đề nghị rất tình người này khiến PGS-TS Ang cảm động và quyết định hợp tác”, bà Cúc nói.
Có lẽ, chỉ những người trong cuộc mới thấu hiểu những ý nghĩa lớn lao mà sự hợp tác này mang lại. Rất nhiều bệnh nhân giờ đã coi Thu Cúc là gia đình thứ hai của họ, gắn bó, sẻ chia mọi niềm vui và cả nỗi buồn. Họ tự tay làm những món đồ lưu niệm xinh xắn để tặng bác sỹ, y tá mỗi khi có dịp đặc biệt.
Những ngày này, Thu Cúc đang bận rộn với kế hoạch mở rộng quy mô của bệnh viện lên gấp 3 lần để phục vụ khách hàng tốt nhất vì Bệnh viện đang có dấu hiệu quá tải, đồng thời mở rộng chuỗi Thu Cúc Clinic lên hơn 100 cơ sở trên toàn quốc, hạn chế để khách hàng phải đi lại xa. Nữ doanh nhân chia sẻ, sau khi tập trung cho lĩnh vực điều trị ung bướu, Bệnh viện sẽ tập trung cho sản khoa, lĩnh vực luôn yêu cầu chất lượng ở mức cao nhất.
Khi được hỏi về ước mơ của mình, bà Cúc trả lời giản dị: “Đó là mở rộng hệ thống, tạo ra 10.000 công ăn việc làm trực tiếp cho người lao động”. Với những thành công đã đạt được, tin rằng, việc tạo ra con số việc làm gấp 4 lần hiện tại không phải là ước mơ quá xa xôi với một nữ doanh nhân đang ở độ chín như Thu Cúc. Bởi với bà, công việc không bao giờ là nhàm chán và bà luôn làm với tất cả với niềm say mê và mong được cống hiến hết mình cho sự nghiệp chăm sóc sức khỏe của người dân Việt Nam.